Hai năm trước, chị Nguyễn Thị Thiệp (Thái Nguyên) sinh đôi hai bé trai đầu lòng. Hơn một tuổi, hai bé vẫn không biết ê a. Mẹ cũng thắc mắc “vì sao các con cứ không nhìn thẳng vào mắt mình, bảo đứng im không đứng im mà lại chạy như tên lửa”. Nghĩ con chậm nói, lại còn nhỏ chưa nhận thức được nên chị cũng không đưa đi khám.

Hai bé hơn 23 tháng tuổi thì có biểu hiện lạ, gọi mãi không quay đầu lại, chảy máu cũng không biết, đại tiểu tiện không kiểm soát. Chị đưa con đến bệnh viện tỉnh khám, bác sĩ chẩn đoán hai bé bị tự kỷ.

Cặp song sinh đã biết giao tiếp và chạy nhảy sau khi điều trị bằng y học cổ truyền. Ảnh: Thúy Quỳnh

Người mẹ đưa hai con đến Bệnh viện châm cứu Trung ương. Bác sĩ Dương Văn Tâm, trưởng khoa Nhi cho biết, trẻ nhỏ 24 tháng tuổi mới điều trị tự kỷ là khá muộn. Nhiều trường hợp phát hiện bệnh khi đã 4-5 tuổi. “Trẻ càng nhiều tuổi thì thời gian chữa trị tự kỷ càng lâu”, bác sĩ Tâm nói.

Với cặp song sinh, liệu trình chữa trị ban đầu trong vòng một tháng. Buổi sáng, bác sĩ Tâm dùng ba kỹ thuật điện châm, thủy châm, xoa bóp bấm huyệt tác động lên các huyệt đạo, mất chừng một giờ. Buổi chiều có các hoạt động tập thể, giáo dục hòa nhập, trò chuyện với chuyên gia tâm lý để các cháu làm quen. Vài ngày đầu tiên, khi châm cứu hai bé giãy giụa, kim tuột ra. Sau một vài tuần quen dần, các cháu chấp nhận hợp tác và ngồi im để châm cứu.

Theo bác sĩ Tâm, trẻ bị tự kỷ ngày càng nhiều. Bố mẹ khi biết con tự kỷ thường rất sốc vì không nhận ra các triệu chứng bệnh của con mình. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tự kỷ là những rối loạn phát triển của não bộ, dẫn đến các biểu hiện như không biết giao tiếp bằng lời nói và hành động, không biết thể hiện cảm xúc, không phản xạ. Trẻ thường không chơi với bạn, lúc nào cũng ngơ ngơ ngác ngác, nhiều hành động lặp đi lặp lại không chủ đích.

“Tây y coi đây là chứng rối loạn, không phải bệnh, cần phải giáo dục, dạy dỗ chứ không điều trị. Những biểu hiện tự kỷ sẽ tồn tại suốt đời của một em bé”, bác sĩ Tâm cho biết. Nhiều bố mẹ sau khi đưa con đến bệnh viện Tây y chẩn đoán tự kỷ sẽ được tư vấn chuyển đến các trung tâm can thiệp giáo dục tật học. Tây y chỉ điều trị những chứng bệnh kèm theo như thần kinh, rối loạn tăng động, chậm phát triển trí tuệ.

“Đông y điều trị rất tốt cho trẻ tự kỷ”, bác sĩ Tâm nhấn mạnh. Đông y coi tự kỷ là chứng bệnh với những biểu hiện suy giảm giao tiếp, trí tuệ, hành vi. Tổn thương kinh mạch, tạng phủ, Đông y có phương pháp điều trị bằng cách tác động lên huyệt vị, kinh lạc. Bé tự kỷ được điều trị kết hợp bằng nhiều kỹ thuật khác nhau như điện châm, thủy châm, xoa bóp bấm huyệt, cấy chỉ. Chuyên gia tâm lý kết hợp tư vấn cho bố mẹ cháu hiểu về tự kỷ để người nhà phối hợp với bác sĩ điều trị trẻ hiệu quả nhất.

Liệu trình điều trị trẻ tự kỷ diễn ra hàng ngày trong vòng một tháng, nghỉ 15 ngày và tiếp tục các đợt điều trị tiếp theo. Tự kỷ phải điều trị kiên trì hàng năm.

Hai bé sinh đôi nhà chị Thiệp đến nay điều trị tại bệnh viện được 3 liệu trình. Các cháu có biểu hiện hành vi tốt hơn trước. “Châm cứu một thời gian, các cháu có phản xạ đi tiểu, không còn bị rối loạn giấc ngủ và đã biết chạy nhảy, gọi biết quay đầu”, bác sĩ Tâm cho biết.

Hàng ngày, tại khoa Nhi Bệnh viện Châm cứu Trung ương có khoảng 100 lượt cháu tự kỷ điều trị, hầu hết đều có bảo hiểm y tế nên không mất tiền. Chi phí điều trị 5-7 triệu đồng một liệu trình.

Bác sĩ khuyên cha mẹ có con bị tự kỷ nên chấp nhận tất cả khác biệt của con mình. Bố mẹ luôn là một chuyên gia, một người bạn bên cạnh con, tạo môi trường sống lành mạnh và an toàn cho trẻ.

Thúy Quỳnh

Bình Luận